|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết

Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, các thôn, làng của xã Hợp Thịnh ngày nay thuộc tổng Gia Cát và tổng Cẩm Bào. Các xã thuộc tổng Gia Cát gồm: Ninh Tào, Hương Ninh, Đa Hội, Đồng Đạo. Xã thuộc tổng Cẩm Bào có Trung Trật. Sau Cách mạng  tháng  Tám  năm  1945, khi cấp tổng, xã cũ bị xóa bỏ để thành lập đơn vị hành chính mới, xã Hợp Thịnh được thành lập trên cơ sở địa dư hành chính của các xã cũ: Ninh Tào, Hương Ninh, Đa Hội, Đồng Đạo, Trung Trật.

Hiện nay, xã có 6 thôn: Ninh Tào,  Hương  Ninh,  Đa Hội, Gò Pháo, Đồng Đạo và Trung Tâm. Thôn Trung Tâm trước kia còn có  tên là  Trung Trật hoặc gọi là Kì Dật (làng Dật). Đến năm 1963, đổi tên thôn thành Trung Tâm. Thôn Đa Hội còn có tên là Soi Đành. Theo truyền thuyết kể lại, Nhân dân di cư đến và ở  lại. Sau  đó “đành ở đây” nên gọi là Sau Đành. Nhân dân ở nhiều nơi đến hội tụ còn gọi là Đa Hội. Thôn Gò Pháo trước đây chỉ là một trại, ấp của một số hộ gia đình di cư từ nhiều nơi như Hưng Yên, Hải Phòng,  Hà  Nam,  Nam  Định, Hà Tây, Sóc Sơn (Hà Nội) đến làm tá điền cho đồn điền Vát, đến buôn bán. Sau khi hòa bình, thành  lập thôn Gò Pháo.

Là nơi có điều kiện tự nhiên thuận lợi nên từ rất sớm người dân đã sống tập trung thành những làng cổ bên sông. Tại xã, có những dòng họ lâu đời như dòng họ Trần, Vũ, Phan, Nguyễn, Lê, Phạm, Đồng. Dần dần thêm nhiều dòng họ khác đến mảnh đất này như dòng họ Ngô, Nguyễn, Đào, Đặng, Tạ... Xã có vị trí được đê sông Cầu bao bọc. Sông Cầu còn gọi là sông Nguyệt Đức, bắt nguồn từ Bắc Kạn chảy qua địa phận các tỉnh, thành: Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh và Hà Nội. Lòng sông có độ dốc thấp. Dòng sông Cầu đã gắn bó lâu đời với Nhân dân của xã. Bên cạnh những lợi ích mang lại như phù sa bồi đắp các soi, bãi ven sông tạo nên những cánh đồng màu mỡ; có những năm mưa lũ đổ về, nước sông dâng cao gây ra lũ lụt làm thiệt hại và khó khăn đến đời sống của Nhân dân trong chiều dài của lịch sử.

Với hai phía giáp sông Cầu thơ mộng đã tạo cho xã có điều kiện giao thông đi lại và buôn bán khá thuận tiện. Đa số các chợ đều phân bố ven các bờ sông, cư dân trong xã thường mang các nông sản qua sông trao đổi, buôn bán. Thuyền buôn từ các nơi cũng thường xuyên ghé bến trao đổi hàng hóa.

Trong xã, thôn ở gần trung tâm xã nhất là 600m, thôn ở xa trung tâm xã nhất là  2km. Về  giao thông, đường  296 từ Thắng đi Cầu Vát là tuyến đường huyết mạch của xã. Ngày nay, hệ thống đường liên xã được nhựa hóa, tông hóa; đường liên thôn, liên xóm được đổ bê tông tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại và giao lưu, trao đổi hàng hóa với các xã, huyện lân cận, phát triển sản xuất nông nghiệp của Nhân dân.

Xã còn có con ngòi Mía chảy từ Quang Minh, Đại Thành qua xã về Mai Trung. Đất đai của xã khá đa dạng. Đất bạc màu, đất cát có nhiều ở Trung Tâm, Gò Pháo. Các thôn còn lại có nhiều đất phù sa là Hương Ninh, Đa Hội, Đồng Đạo, Ninh Tào. Những loại đất trên phù hợp với các loại cây trồng như lúa, khoai lang, ngô... Cây công nghiệp như lạc, đậu tương, trồng dâu nuôi tằm.

Thư viện ảnh Thư viện ảnh

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang truy cập: 14,659
Tổng số trong ngày: 189
Tổng số trong tuần: 2,604
Tổng số trong tháng: 3,458
Tổng số trong năm: 31,226
Tổng số truy cập: 115,744