|
Views:
dark-mode-label OFF
Font size: A- A A+
Đọc bài viết

Làng xóm của xã được tạo lập từ xa xưa. Những người dân quê gốc ở đây đã cùng với những người dân Thanh Hóa, Hưng Yên, Hải Dương, Mai Đình (Hiệp Hòa), Yên Phong (Bắc Ninh)... di cư đến đoàn kết gắn bó với nhau từ bao đời, sinh cơ lập nghiệp và lập nên làng xã. Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, làng xã nơi đây có đặc điểm dân cư rất điển hình:

Xã Hợp Thịnh, trước năm 1945 chủ yếu thuộc tổng Gia Cát, riêng xã Trung Trật thuộc tổng Cẩm Bào.

Xã Đa Hội: Đầu thế kỷ XIX là xã Ninh Định, gồm 3 thôn: Hạ, Ninh Định, Thượng. Trước Cách mạng  tháng  Tám năm 1945, xã Đa Hội thuộc tổng Gia Cát, tên nôm Soi Đành, gồm 3 thôn: Thượng Thác, Nhà Thờ, Bầu Cau. Số dân có 919 người tính thời điểm năm 1927. Năm 1930, số ruộng đất có 403 mẫu.

Đồng Đạo: Được tách ra từ xã Ngô Đạo thuộc huyện Hiệp Hòa. Trước năm 1945, xã thuộc tổng Gia Cát. Số dân gồm có 200 người tính ở thời điểm năm 1927. Năm 1930, xã có 227 mẫu ruộng đất.

Ninh Tào: Trước năm 1945, xã có tên nôm là làng Cầu Tách. Xã thuộc tổng Gia Cát, chỉ có một thôn Đồng Ráu. Số dân tính ở thời điểm năm 1927 có 238 người. Năm 1930, số ruộng đất có 500 mẫu.

Xã Hương Ninh: Trước năm 1945, xã thuộc tổng Gia Cát. Xã còn có tên nôm là làng Vát. Năm 1927, dân số của xã có 170 người, xã có hơn 500 mẫu ruộng, sau đó bị đồn Vát chiếm, còn 70 mẫu ruộng xứ.

Trung Trật: Trước năm 1945, xã thuộc tổng Cẩm Bào. Xã gồm có 6 thôn: Mã Vôi, Trong Làng, Đồng Mía, Đồng Dầu, Đanh Ngạnh, Đầu Làng. Tính ở thời điểm năm 1927, xã có dân số 856 người. Năm 1930, số ruộng đất có 585 mẫu.

Trước năm 1945, dân cư của các làng thuộc xã Hợp Thịnh ngày nay có 815 hộ gia đình. Đến năm 2020, xã    có 2.612 hộ, 12.138 nhân khẩu.

Nơi đây vùng đất được bồi đắp bởi ven sông Cầu, đất đai phù sa màu mỡ, thuận tiện cho cấy lúa mùa những ô ruộng nội đồng và trồng rau màu soi, bãi ven sông.

Nhân dân lấy nông nghiệp là nghề chính, cho đến nay cấy lúa, trồng rau màu vẫn nguồn sống chính. Tại đây, có nhiều sản phẩm từ nông nghiệp đã đi vào ca dao, tục ngữ:

“Ngọt mật mía cải canh Đồng Đạo Dẻo thơm ngon hạt gạo Hương Ninh Sợi vàng thuốc lá Thanh Bình

Khoai lang Đa Hội thắm tình quê hương”.

(Ca dao)

“Rau Đồng Đạo, gạo Hương Ninh, thuốc lá Thanh Bình, khoai lang Đa Hội” hoặc “Ngon nhất là mía Soi Đành, trai tơ làng Bến, gái sành Phù Lôi”.

Dải phù sa do dòng sông Cầu bồi đắp đã giúp cây trồng phát triển. Ngoài ra, khi xưa, người dân còn có nghề trồng dâu, chăn tằm.

Soi bãi ven sông, đất phù sa màu mỡ trở thành bãi trồng dâu. Trải dọc theo triền đê là những bãi dâu xanh uốn lượn theo dòng nước biếc chạy dài tít tắp. Hầu như gia đình nào cũng có nghề trồng dâu, nuôi tằm. Nhà điều kiện nuôi từ 10 đến 15 nong tằm, nhà nghèo cũng có từ 3 đến 5 nong. Soi bãi ven sông được chia cho các hộ gia đình để trồng dâu. Thường thì vào tháng 8, sau mùa lũ lụt, đất bãi được tăng độ phù sa, làm cho dâu xanh tốt, cung cấp thức ăn dồi dào cho những nong tằm, nhờ đó những sợi tơ vàng óng thu hút khách hàng ở muôn nơi đổ về tìm mua. Nhiều kinh nghiệm được đúc rút từ thực tiễn cuộc sống, được viết thành thơ truyền tụng hết thế hệ này đến thế hệ khác. Có câu ca khuyên nhủ việc mua tơ lụa, có câu ca khuyên nhủ việc làm nhà, lại có cả những câu ca khuyên dạy cách mua vải... ví như:

“Giàu thì mua vải tháng ba

Mua lụa (tơ tằm) tháng 8, làm nhà Giêng hai”.

Tháng 3 vốn là ngày dài, nhiều nắng, lại là thời điểm vải rẻ và thuận cho việc mua vải nhuộm thâm (nhuộm nâu). Tháng Giêng hai khí hậu mát mẻ, ngày rộng tháng dài, làm nhà là thích hợp nhất.

Từ các cụm dân cư dần hình thành mối quan hệ gắn bó thông qua quá trình khai phá đất đai và xây dựng hệ thống thủy lợi tạo nên làng, xóm. Ngoài không gian cư trú, làng có không gian trồng trọt canh tác bao quanh. Quá trình cải tạo đồng ruộng là một quá trình lâu dài. Trong quá trình sản xuất nông nghiệp ở Hợp Thịnh, vấn đề người nông dân lo lắng nhất là nước tưới tiêu. Việc đắp đê phòng lụt, tát nước, tưới tiêu được người dân đặc biệt chú trọng.

Hương ước phản ánh tính tự trị của làng, khẳng định vị thế của làng trong bức tranh nông thôn chung. Trong nội dung hương ước có nhiều nội dung nhằm bảo vệ các giá trị đạo đức theo quan điểm Nho giáo và quan niệm đạo đức truyền thống của người Việt; đảm bảo sự thực thi của bộ máy chính quyền thôn xã. Do đó, trong hương ước đề cập đến tất cả các mặt của cuộc sống: kinh tế, văn hóa, xã hội. Nó mang tính tổng hợp các vấn đề đời sống xã hội. Nó góp phần nâng cao vị thế của làng. Vì, là một quy ước tập thể, nó hạn chế vai trò cá nhân, đề cao vai trò cộng đồng. Hương ước vì thế mang nhiều yếu tố bảo thủ, trì trệ. Tuy nhiên, không phải tất cả các tục lệ của làng đều được thể hiện trong hương ước.

Hiện nay, người dân từng thôn làng đã chọn lọc những điều hay nét đẹp từ hương ước cũ để xây dựng quy ước làng văn hóa cho từng thôn.

- Tết Nguyên đán:

Tết Nguyên đán hay còn gọi là Tết mừng năm mới. Sau một năm làm việc nặng nhọc, vất vả, tết Nguyên đán là một dịp để mọi người được nghỉ ngơi, vui chơi thăm hỏi lẫn nhau. Vì thế, đây là ngày Tết được tổ chức to nhất trong năm. Tết Nguyên đán được người dân chuẩn bị từ ngày 23 tháng Chạp, tức ngày “ông Táo” lên trời. Bắt đầu từ ngày này, người dân nô nức đi chợ Tết để mua sắm hoặc để chơi Tết.

Cũng như bao làng quê khác, trong ngày tết Nguyên đán, người dân trong xã gói bánh chưng xanh, mổ lợn để chế biến nhiều món ăn khác nhau như: giò lụa, giò mo cau, làm nem, nấu đông...

Từ ngày mùng 1 đến ngày mùng 3 Tết, mọi người trong các thôn làng tổ chức đi chúc Tết các gia đình, trong dòng họ và bà con hàng xóm láng giềng với những lời chúc tốt đẹp nhất. Thực hiện theo lệ cổ “Triều đình dụng tước hương dụng xỉ”. Cũng trong dịp Tết này, những gia đình có người từ 50 tuổi trở lên đều tổ chức khao lão. Việc khao lão do xã đứng ra tổ chức. Những người từ 50 tuổi đến 70 tuổi được tổ chức mừng thọ theo quy định 10 năm 1 lần. Từ 80 tuổi trở lên thì theo quy định 5 năm 1 lần. Việc tổ chức mừng thọ chỉ làm gọn trong 3 ngày Tết vì đây là dịp tất cả mọi người trong gia đình được nghỉ ngơi, sum họp. Trong lễ mừng thọ, tùy theo điều kiện, hoàn cảnh từng gia đình mà tổ chức to nhỏ khác nhau.

             Tết Thanh minh (ngày 03 tháng 3 âm lịch):

Trong dịp tết Thanh minh (còn gọi là tết hàn thực), người dân trong xã không tổ chức đi tảo mộ mà chỉ làm lễ tổ tiên tại nhà. Trong dịp lễ này, người dân làm bánh trôi nước và bánh rợm để cúng gia tiên và ăn tết. Các loại bánh này đều được làm bằng gạo nếp cái hoa vàng; cách làm bánh đơn giản, không khó nên gia đình nào cũng có thể làm được.

             Tết Đoan ngọ (ngày 05 tháng 5 âm lịch):

Mọi người ăn hoa quả và rượu nếp cái để tiêu diệt sâu bọ bên trong cơ thể. Trong ngày tết này, các gia đình  cũng làm bánh trôi và bánh rợm.

  • Tết rằm tháng Bảy (Lễ Vu Lan):

Tết 15 tháng 7, gia đình nào trong thôn cũng sắp một mâm lễ cúng tổ tiên và vong hồn người chết không chốn nương thân. Lễ cúng ngoài gà, rượu còn có xôi chè. Xôi chè được làm theo cách: đồ xôi cho chín sau đó cho mật mía, nước gừng trộn lẫn với xôi cho thật đều (tùy khẩu vị của từng gia đình mà cho mật theo độ đậm nhạt khác nhau). Trộn xong thì cho lên bếp đun, đảo đều để săn hạt xôi rồi xới ra từng đĩa nhỏ. Đối với những gia đình có người chết trong năm, cũng nhân dịp tết này, ngoài phần lễ kể trên còn sắm thêm đồ mã: quần áo, giày dép, tiền, các đồ dùng sinh hoạt khi còn sống người đó thường hay sử dụng... Cúng xong, đồ mã được đem đốt rồi cho vào túi ni lông thả ra sông.

  • Rằm tháng 8 (tết Trung thu):

Đây là tết chung của mọi người dân. Ngày này có trăng tròn và sáng nhất trong năm. Lúc thời tiết bắt đầu trở nên mát mẻ, Nhân dân tổ chức thả diều, hát trống quân. Ngày nay, tết này chuyển thành tết thiếu nhi. Khoảng 1, 2 giờ sáng, các cụ sẽ nhìn trăng để dự đoán thời tiết trong năm bằng cách: nếu trời trong, trăng sáng thì thời tiết trong năm sẽ giá lạnh, nếu trời nhiều mây, trăng u ám thì thời tiết trong năm sẽ có nóng nực nhiều. Chính vì vậy mà Nhân dân nơi đây còn có câu tục ngữ rằng “cửu nguyệt phong lôi, tứ nguyệt hàn” tức là tháng 9 có mưa gió, sấm sét thì trời sẽ rét đến tháng 4.

  • Ngày 10 tháng 10:

Đây là ngày lệ “thủy quan giải ách”, hay là ngày tết cơm mới. Trước đây, khi gia đình gặt lúa màu đỏ thì mới tổ chức cơm mới bằng gạo này. Đây là loại gạo có màu đỏ. Hiện nay, loại gạo này không còn nữa. Thay vào đó, các gia đình trong thôn tổ chức nấu xôi nén trắng rồi đóng khuôn để cúng tổ tiên.

  • Ngày 23 tháng Chạp (tết ông Táo):

             Thường các gia đình sẽ sắm 2 mũ ông và 1 mũ bà để cúng bộ ba thổ công, thổ địa, thổ kỳ được Nhân dân gọi chung  là “Tết ông Công, ông Táo”. Khi cúng, ngoài các đồ mã, Nhân dân thường cúng cùng với cá chép để ông Táo cưỡi cá lên chầu trời, báo cáo với Ngọc Hoàng thượng đế kết quả một năm của dân ở hạ giới.

             Như vậy, các tiết lệ hằng năm của Nhân dân được mở đầu bằng tết Nguyên đán và kết thúc bằng tết ông Công, ông Táo, để rồi đến đêm 30 ông Táo lại trở về bước vào năm tiếp theo. Điều đó chứng tỏ rằng hệ thống lễ, tết làm thành một chu trình khép kín đối với những người dân có cuộc sống chủ yếu bằng nền nông nghiệp lúa nước. Tóm lại, lễ, tết của người dân trong xã cũng như bao làng quê khác trên đất nước Việt Nam, nó là sự tổng hợp uyển chuyển của cái linh thiêng và cái trần thế. Lễ, tết thường thiên về vật chất (ăn uống) và giải quyết nhu cầu tình cảm (thăm hỏi lẫn nhau). Chính vì vậy mà ở đây vẫn tồn tại câu nói “ăn tết” và lễ, tết chỉ được diễn ra trong một gia đình, một dòng họ. Lễ, tết ở đây còn duy trì chặt chẽ quan niệm tôn ti trật tự trên dưới giữa các thành viên trong gia đình, dòng họ.

  • Việc cưới:

Trong việc cưới, từ xưa đến nay, mọi người đều cho rằng hôn nhân là việc quan trọng của cả một đời người. Hơn nữa, việc này lại còn liên quan đến cả gia đình, khi tới cả dòng họ. Do vậy, trước đây, từ khi hai bên gia đình đồng ý cho tới khi hôn lễ được tổ chức phải trải qua quá trình chuẩn bị cẩn thận theo những phép tắc, lễ thức được quy định bất thành văn.

Xưa kia, trong xã, việc hôn nhân do cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy, trai gái đến tuổi dựng vợ gả chồng không được tự do tìm hiểu mà phụ thuộc vào sự sắp đặt của cha mẹ. Thường thì, sau khi chọn được nơi môn đăng hộ đối, nhà trai nhờ bà mối sang nói chuyện với nhà gái. Ông (bà) mối phải là người khéo ăn nói, nhanh nhẹn, có cuộc sống song toàn, hạnh phúc, con cái đầy đủ  (có  cả  trai  cả gái). Người làm mối có nhiêm vụ giao thiệp giữa nhà trai và nhà gái. Lời nói của người mối có ảnh hưởng rất lớn đối với gia đình cả hai bên. Trong việc cưới hỏi xưa  ở Hợp Thịnh có lệ nộp cheo gồm hai loại: cheo nội cheo ngoại. Cheo nội dùng cho việc cưới hỏi trong làng. Cheo ngoại dùng cho việc cưới hỏi với người làng khác. Đám cưới ở xã gồm có các bước: Lễ chạm ngõ, lễ ăn hỏi, lễ cưới, lễ lại mặt.

  • Việc tang (đám ma):

Đám tang ở xã trước kia duy trì nhiều hủ tục, kéo  dài ngày và phân chia thành hai loại: Lệ nhất và lệ nhì (đám ma người giàu và đám ma người nghèo). Người giàu khá giả, khi chết được cả làng, cả giáp đưa tang, tế nhiều lần. Khi đưa đám có cồng, có lệnh. Những người nghèo khi chết chỉ có một vài người hàng xóm gần gũi đi đưa, ít lần tế. Lệ nhất nộp 24 đồng. Lệ nhì nộp 12 đồng. Người chết được 1 năm sau thì tổ chức giỗ đầu, có mời bà con họ hàng đến cúng giỗ. Đến 2 năm sau đúng vào ngày chết, gia đình tổ chức cúng giỗ hết. Việc tang của gia đình đến ngày này cơ bản là xong, con cháu không phải để tang nữa và được tham gia mọi công việc của làng xã. Ngày giỗ hết được làm trang trọng và mời con họ hàng đến ăn giỗ đông đủ.

Như vậy, cộng đồng dân cư có những thiết chế, tổ chức khá bền chặt, được thử thách qua thời gian tạo nên một bề dày truyền thống. Cuộc sống nơi xóm làng với các mối quan hệ huyết thống “trong họ ngoài làng”, “phi nội tắc ngoại” đã gắn bó mọi người với nhau. Vượt ra ngoài những quy chế hạn hẹp của chế độ phong kiến, người dân gắn bó với nhau với tinh thần tương thân tương ái mang đậm tình người.

User Online: 11,619
Total visited in day: 137
Total visited in Week: 422
Total visited in month: 9,750
Total visited in year: 47,162
Total visited: 131,680